Saturday, April 13, 2013

Nói mãi mà không nhàm


Nói mãi mà không nhàm
Paul Krugman, nhà kinh tế nổi tiếng, chuyên viết cho tờ New York Times, vừa có một bài viết trên tờ BusinessWeek mang nhan đề “How to Beat a Dead Horse”.
Thành ngữ to beat a dead horse là làm chuyện vô ích, thường chỉ một chuyện đã qua rồi, bàn thêm hay cố gắng thêm chẳng được chi (ví dụ Do you think it's worth sending my manuscript to other publishers or I am just beating a dead horse?) Vì sao nhà kinh tế đoạt giải Nobel lại bày chúng ta beat a dead horse?
Ấy là ông này đang nói về nghề tay trái của ổng – viết báo. Với các đề tài người ta đã bàn nát nước rồi thì làm sao để viết [cho hay, cho hấp dẫn].
Krugman bày: “It kind of helps to use various people as foils”. Foil là một kỹ thuật trong viết tiểu thuyết – dùng một nhân vật để làm nổi bật tính cách của một nhân vật khác. Ông nói thêm cho rõ: “If someone has said something that’s demonstrably at odds with experience or just demonstrably stupid, I use it” (at odds with là trái ngược với; demonstably ở đây là rõ ràng).
Chiêu thứ nhì là “Metaphors, if you can find good ones, are helpful”. Ngay sau đó Krugman cho ví dụ về những ẩn dụ hữu ích: “Confidence fairy” has been a good friend to me. That one just came out of the blue in 2010. Krugman từng đẻ ra và dùng cụm từ “confidence fairy” trong khá nhiều bài (một từ ông cho là đắc ý – a good friend), ý nói đến niềm tin rằng chính quyền càng ít can thiệp, nền kinh tế sẽ càng chóng phục hồi, tức là chỉ cần tin mọi việc sẽ ổn là nó sẽ ổn – một ý tưởng ông này cho là ảo tưởng. To come out of the blue là xuất hiện bất chợt.
Chiêu tiếp theo là “More on the blog than in the column, I follow research”. Ông này vừa viết báo vừa viết blog. Và phát triển cái ý “follow research” ông nói: “I wasn’t thinking much about the importance of having your own currency at first”. Currency ở đây là sự thừa nhận [rộng rãi ý tưởng của ông]. “I learned about that a couple of years into this Don Quixote role—some mixture of Don Quixote and Cassandra”. Tức là khi đóng vai Don Quixote chọc ngoáy vào những vấn đề “cái cối xay” của kinh tế, ổng nghĩ mình cũng đồng thời phải là một Cassandra, là nữ thần chuyên tiên đoán hậu vận một cách chính xác. Kết quả là “This having-been-right thing helps sustain me in pounding on the issues”. Đó, pounding on the issuebeat the dead horse mà vẫn có người nghe nhờ cái “having-been-right thing”.
Chiêu cuối cùng là “In any kind of communications profession, the point is above all to have something to say” – cái này thì rõ rồi, nên thôi, không nói nữa.

Wednesday, April 3, 2013

Búp bê và tiếng Anh


Búp bê và tiếng Anh
Trong tiếng Anh có những câu khó, không phải vì từ khó hay cấu trúc phức tạp mà khó vì cách diễn đạt. Bài báo “Lean in, Barbie” trên tờ The Economist hôm nay có những câu hoàn toàn đúng với nhận xét này.
Ví dụ, câu mở đầu: “Barbie doll prices vary by job, with only a moderate relation to actual salaries”. Đọc vô dễ choáng vì không hiểu nó nói gì cả trong khi từ thì rất dễ.
Búp bê Barbie nổi tiếng thì ai cũng biết rồi. Nhà sản xuất cho ra đời đủ loại, đủ kiểu búp bê, kể cả cho Barbie làm đủ nghề. Búp bê thì giống nhau, chỉ có áo quần bề ngoài và một ít phụ tùng để minh họa cho nghề mà Barbie đang làm thì khác nhau, thế nhưng giá bán mỗi con búp bê như thế lại khác nhau tùy nghề nghiệp Barbie đang khoác vai. Điều lạ là giá bán này không liên quan gì nhiều đến mức lương thật sự mà nghề nghiệp ấy thực lãnh ngoài đời. Cả câu phải diễn giải dài dòng như thế còn dịch như thế nào thì tùy.
Nhưng một khi đã nắm ý chính của tác giả thì các câu sau trở nên dễ: “This can’t simply be explained by the cheap accessories that come with it—why should a miniature plastic laptop be valued so much higher than a chef’s tiny cupcakes?” Nếu vội sẽ không hiểu vì sao lại so sánh giá của “a miniature plastic laptop” với “a chef’s tiny cupcakes”. Đó là bởi miêu tả cô Barbie làm chuyên gia vi tính thì phải cho cô đeo máy tính; còn làm đầu bếp nướng bánh thì phải có bánh trên tay. Cả hai đều là đồ nhựa giả nên giá đâu có chênh lệch bao nhiêu.
Chừng đó thôi nhưng The Economist hay đúng hơn là hai nhà kinh tế cũng rút ra quy luật:  “They conclude that price discrimination is probably at work: sellers exploit parental hopes that a girl playing palaeontologist may grow up to be the real thing, so charge more”. At work là đang phát huy tác dụng. Price discrimination là một khái niệm trong kinh tế học, ấn định giá khác nhau cho các loại khách hàng khác nhau hay tại các thị trường khác nhau mặc dù cùng một sản phẩm hay dịch vụ như nhau (như trong giá vé máy bay chẳng hạn). Hóa ra dân bán Barbie cũng khôn quá.


Sherlock Holmes và tiếng Anh


Sherlock Holmes và tiếng Anh
Để đọc hiểu một bài báo tiếng Anh, điều đầu tiên không phải là tìm cuốn từ điển để bên cạnh – điều đầu tiên là xem thử bài báo nói về lãnh vực gì, rồi tìm hiểu sơ về lãnh vực đó, kèm theo các từ đặc trưng của nó như những cái mốc định hướng cho mình. Chúng ta thử lấy bài “Is Sherlock Holmes in the Public Domain?” trên tờ Slate để minh họa cho nhận định này.
Đây là bài báo nói về chuyện bản quyền, tức một phần của khái niệm sở hữu trí tuệ (intellectual property). Tìm hiểu sơ thì sẽ thấy các intellectual property rights thường bao gồm copyright (bản quyền, quyền tác giả), trademark (nhãn hiệu), patent (pa-tăng, sáng chế), industrial design (kiểu dáng công nghiệp), trade secrets (bí mật kinh doanh)… Riêng với copyright thì thường người ta quy định quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả (ai muốn sử dụng phải trả tiền bản quyền – copyright fees) và sau đó thêm 50 năm nữa. Hết thời hạn này thì tác phẩm sẽ là “của chung” (public domain), ai muốn xài thì cứ thoải mái.
Quay lại, đọc nhan đề bài báo “Is Sherlock Holmes in the Public Domain?” chúng ta biết ngay ý người viết muốn hỏi bản quyền Sherlock Holmes đã hết hạn chưa. Nghe khỏe không? Nếu không làm theo cách trên, các bạn có tra cứu từ public domain (tài sản công cộng) cũng chịu, không biết dịch thế nào cho phải.
Câu trả lời cho thắc mắc hết hạn chưa là chưa rõ. Bài báo đưa ra một dẫn chứng: “Lawyer and Holmes scholar Leslie S. Klinger has sued the estate, which insisted that he pay a fee to them in order to publish a collection of short stories called In the Company of Sherlock Holmes”. Trong câu này có từ estate hơi khó hiểu. Real estate thì ai cũng biết là địa ốc nhưng estate không thôi lại là tài sản, di sản và từ đó có thêm nghĩa (những) người thừa kế di sản (vậy mới có chuyện kiện chứ ai đời đi kiện tài sản).
Mặc dù tất cả tác phẩm nào xuất bản trước năm 1923 ở Mỹ đều đã hết hạn bảo hộ bản quyền, một số tác phẩm của Conan Doyle, cha đẻ nhân vật Sherlock Holmes, được xuất bản sau năm đó nên mới có chuyện tranh cãi. “The Conan Doyle estate is known for aggressively pursuing copyright claims, and most people looking to use the character—including the creators of the TV shows Sherlock and Elementary and the producers of the updated Sherlock Holmes movies—have paid licensing fees”. Chúng ta nay đã biết nghĩa của cụm từ “The Conan Doyle estate”, “pursuing copyright claims”. Một bên đòi tiền bản quyền, một bên kiện nói đã hết thời hạn bảo hộ: “Enough is enough,” Klinger told The New York Times. Nói Enough is enough là bực lắm rồi, kiểu vừa phân hai phải (một vừa hai phải) thôi chứ.
Bài báo nhận định: “And overreaching literary estates haven’t had the best luck lately: James Joyce’s and William Faulkner’s heirs have lately lost fair use lawsuits”. Overreaching ở đây là đòi hỏi quá đáng; fair use cũng là khái niệm trong quyền tác giả, là quyền trích dẫn tác phẩm mà không cần phải xin phép (sử dụng hợp lý).
Và cuối cùng bài báo dùng lời một luật sư để kết luận: “Copyright was intended by its progenitors to be a limited monopoly, not an indefinite monopoly”. Its progenitors là cha đẻ luật bản quyền. Monopoly là độc quyền, nhưng một bên là limited (có giới hạn) một bên là indefinite (vĩnh viễn).

Khủng hoảng và tiếng Anh


Khủng hoảng và tiếng Anh
Cuộc khủng hoảng ở Cyprus có nhiều tình tiết và diễn biến đầy kịch tính và tiếng Anh sử dụng trong các bản tin cũng có nhiều từ thú vị.
Ví dụ ngay trong tít “Cyprus and Troika come to terms on haircut” có ít nhất hai từ đáng chú ý. Ba định thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu được gọi gọn là Troika. Từ haircut trong tài chính là tỷ lệ chiết khấu – một tài sản đem đi làm vật thế chấp ở ngân hàng thì thường được định giá thấp hơn giá trị thị trường của nó, khoảng trừ lùi so với giá trị thị trường đó gọi là haircut. Ở đây haircut chắc mọi người cũng đoán được – là mức thuế đánh lên tiền gởi ngân hàng. Năm ngoái dân nắm giữ trái phiếu Hy Lạp cũng chịu thiệt thòi đến 75% giá trị trái phiếu – tức “a 75 percent haircut” – nghe như bị vặt lông chứ không chỉ là hớt tóc!
Thỏa thuận nói ở tít trên dẫn đến hậu quả: “One banking chain goes to the wall, and major clients, who include many Russians, will take a giant hit”. Nghe go to the wall giống như “dựa cột” (bị xử bắn) nhưng không phải. Go to the wall bình thường là liều hết mình (This is a very important matter and I will go to the wall if necessary), còn khi nói đến doanh nghiệp thì mang nghĩa sụp tiệm (After nine months of massive losses, the company finally went to the wall). Ngân hàng goes to the wall lần này là Popular Bank of Cyprus (Laiki Bank), ngân hàng lớn thứ nhì Cyprus.
Với tuyên bố về ngân hàng lớn nhất: “Bank of Cyprus needs to be recapitalized and the contribution to this recapitalization must come, inevitably, from senior bondholders, junior bondholders and shareholders” thì từ đáng chú ý là senior bondholder. Một doanh nghiệp hay ngân hàng phát hành trái phiếu thường đưa ra loại trái phiếu được ưu tiên chi trả trước nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, loại trái phiếu này gọi là senior bond, người nắm giữ chúng là senior bondholders. Loại junior bond không được ưu tiên như thế nên rủi ro cao hơn và lãi suất cũng cao hơn. Trong trường hợp này senior hay junior gì cũng chịu thiệt hết.
Đáng chú ý là các báo, dù là báo chuyên về kinh doanh như Forbes, khi miêu tả hệ thống ngân hàng của Cyprus dùng từ rất đơn giản: “The tiny island’s financial sector is, indeed, enormous—it’s roughly eight times its yearly economic output”. Câu này mà dịch ra tiếng Việt đúng kiểu sẽ trở thành: Tổng tài sản của toàn bộ các ngân hàng ở đảo quốc bé nhỏ này là cực lớn – khoảng bằng 8 lần GDP. Hèn gì văn báo chí kinh tế Việt Nam khô như ngói.
Nếu tạm thời quên chuyện tiếng Anh, chúng ta dễ bị sốc khi thấy người nào lỡ gởi tiền vào ngân hàng Laiki trên 100.000 euro nay có khả năng mất trắng. “Another €4.2 billion worth of uninsured deposits would be placed into a “bad bank”, to be disposed of, with no certainty that big depositors will get any money back”. Nghe chuyện “to be disposed of” – xử lý, thanh lý tức là mất tiền rồi.
Riêng câu sau, có lẽ cần giải thích nhiều hơn: “It is to be restructured severely by wiping out shareholders and bailing in bondholders, both junior and senior”. Chúng ta thường thấy từ bail out là giải cứu, một chuyện gây bức xúc ở người dân trả thuế thấy tiền bị đem đi cứu ngân hàng vô tội vạ. Từ đó nảy sinh khái niệm bail in – yêu cầu người nắm giữ trái phiếu ngân hàng phải chịu một mức thiệt hại nào đó (còn cổ đông thì đương nhiên đã chịu mất trắng) trước khi dùng ngân sách để cứu. Đây là đang nói về số phận ngân hàng lớn nhất Cyprus – đúng như câu ở trên. “Uninsured depositors would probably incur haircuts of the order of 35%” – từ haircut bây giờ có lẽ không còn gây thắc mắc nữa (còn of the order of là khoảng chừng).
Câu trên là từ tờ the Economist, tờ này dùng từ rất hình ảnh: “The IMF had suggested winding down both Laiki and Bank of Cyprus and splitting them into good and bad banks. Now Mr Anastasiades has salvaged the shell of the Bank of Cyprus, but at the cost of encumbering it with bad assets”. Đúng là Bank of Cyprus sẽ chỉ còn cái vỏ mà lại phải gánh chịu tài sản xấu của Laiki.
Phải nói là nếu không theo dõi thường xuyên sẽ khó hiểu hết các bài báo trên tờ này. Ví dụ câu “The scale of the bail-in that will be required to bring it to the target capital-ratio of 9% remains unclear” đòi hỏi phải hiểu ý nghĩa của từ bail-in nói trên dù cụm từ capital-ratio thì đã quen thuộc, nhất là khi viết đầy đủ ra thành capital adequacy ratio.
Dù sao số phận của Cyprus coi như xong - Some sources in the troika tentatively estimate that GDP will shrink by about 10% before any hope of recovery – rõ ràng bộ ba nói ở đầu bài biết rõ ép Cyprus như thế thì kinh tế Cyprus sẽ suy sụp nặng nhưng họ vẫn làm.
Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Pháp vẫn biện giải: “To all those who say that we are strangling an entire people ... Cyprus is a casino economy that was on the brink of bankruptcy”. Gọi Cyprus là một casino economy ý nói nơi đây đã bị biến thành thiên đường tài chính cho giới tài phiệt rửa tiền rồi giới ngân hàng Cyprus đem tiền đầu tư đầy rủi ro vào Hy Lạp.
Có lẽ kết luận của một người dân Cyprus là xác đáng hơn cả: “It’s like you have cancer and instead of treating the patient, you kill him. And then you say the problem is solved.” Vì thế chuyện dài số phận đồng euro còn chưa xong, có lẽ sẽ sớm có một Cyprus khác.