Sunday, September 18, 2011

Chuyện chữ & nghĩa - 2

Khi tác giả chơi chữ

Khi viết về những vấn đề kinh tế, để tránh khô khan, nhiều tác giả áp dụng lối viết hình tượng, chơi chữ để nhấn mạnh ý chính và gây ấn tượng với người đọc. Với các trường hợp này người đang học tiếng Anh sẽ gặp khó khăn nhưng vượt qua được cửa ải này, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức các bài viết về kinh tế như đang đọc một tác phẩm văn học.

Ví dụ, khi nói đến sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản, có người viết: “Some people said Japan was down for the count, and that was obviously a distorted view.” Trong thi đấu quyền Anh, khi có một võ sĩ bị đánh ngã xuống sàn, trọng tài bắt đầu đếm. Nếu đếm đến 10 mà võ sĩ này không dậy được thì coi như bị nốc ao. Như vậy câu này buộc ta liên tưởng đến hình ảnh nước Nhật như một võ sĩ trên sàn đấu sắp bị thua đến nơi.

Một câu khác dùng từ rất hình tượng: “Japan’s banks were tallying bad loans of more than $300 billion, dwarfing America’s own housing-and-loan crisis.” Nếu tra từ điển bạn chỉ hiểu từ dwarf là người lùn, động từ dwarf là làm cho có vẻ nhỏ lại. Nhưng cả câu muốn nói những khoản nợ xấu của các ngân hàng Nhật Bản còn lớn hơn nhiều so với các khoản thiệt hại do xì căng đan cho vay tiền mua nhà ở Mỹ gây ra.

Loại từ này và các dùng này khá phổ biến, nếu không cảnh giác dễ hiểu sai. Câu “Honda was told to put brakes on new car prices” dễ bị hiểu nhầm là hãng Honda bị buộc phải gắn loại thắng (phanh) mới như brakes ở đây được dùng theo kiểu chơi chữ là tạm hoãn (tạm hoãn tăng giá xe).

Hay trong câu “It seemed Japan Inc. was a façade, the economic miracle was a myth and the Pacific Century would last a decade” – Japan Inc. là cách chơi chữ khá nhàm vì được dùng nhiều quá nên trở thành sáo ngữ. Có thời người ta xem cả nước Nhật như một doanh nghiệp khổng lồ, sản xuất hàng hóa và đưa chúng tràn ngập thế giới. Đến nỗi nhiều nhà kinh tế xem thế kỷ này là thế kỷ của [nền kinh tế] Thái Bình Dương. Nhưng vì năm năm qua, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn nên hiện tượng đó đã bị phá vỡ như một huyền thoại chỉ kéo dài được một thập niên.

Gần đây kinh tế Nhật Bản đã có chiều hướng phục hồi nên tác giả viết tiếp: “Now the wounded samurai is showing sign of life.Samurai là võ sĩ đạo nhưng được dùng ở đây như kiểu nước Nhật là một cường quốc kinh tế. “Shoppers are on the prowl again.Prowl là đi lang thang, thường dùng để chỉ thú đi tìm mồi như cả thành ngữ on the prowl ở đây lại dùng với shoppers nên mang hình tượng đi mua sắm, đi săn hàng trong cửa hiệu.

Sau đó tác giả hỏi: “Is Japan back and badder than ever?” Có bao giờ bạn thấy từ bad (xấu xa) dùng thể so sánh là badder chứ không phải là worse chưa? Thật tuyệt! Nếu dùng từ worse câu đó sẽ vô nghĩa, kinh tế hồi phục sao lại xấu xa thêm? Để diễn đạt ý “Phải chăng nước Nhật đã trở lại [độc chiếm thị trường] và càng mạnh hơn bao giờ hết [trong vai trò lấn chiếm thị phần nước Mỹ]” tác giả viết rất gọn và làm các nhà ngữ pháp chưng hửng rồi e phải gật gù khen hay, ghi vào một quy tắc ngoại lệ nữa. Thật ra, trong ngôn ngữ tiếng lóng của Mỹ có từ bad (với thể so sánh badder, baddest) mang nghĩa rất tốt, tài giỏi. Chứng kiến một cầu thủ thi đấu xuất sắc nếu cổ động viên hét lên, “You’re bad” là họ đang khen đấy.

Có khi việc chơi chữ thể hiện bằng ý chứ không bằng lời. Một bức tranh châm biếm vẽ cảnh Bob Dole, ứng cử viên chức tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, gọi điện cho Boris Yeltsin với lời chú thích duy nhất, “Could I borrow Lebed for a few days in November, Boris?” Nếu bạn biết bối cảnh vòng hai cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Nga khi Yeltsin thắng cử nhờ kéo tướng Lebed, người về ba trong vòng một về phe mình, bạn sẽ thấy tác giả chơi chữ với ý rất rõ là Dole cần một nhân vật như Lebed mới hy vọng thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 1996.

Cập nhật: Các ví dụ trong bài trên được viết từ năm 1997 nay đọc thấy khá xa lạ. Nhưng việc các tác giả chơi chữ, làm khó người học tiếng Anh lúc nào cũng vậy. Ví dụ, một tít báo trên tờ Economist viết: “Banking regulation – Capital punishment”. Bình thường capital punishment là hình phạt tử hình nhưng trong câu này ý muốn nói đến những quy định mới mà giới ngân hàng sẽ phải tuân thủ, sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng nguồn vốn và lợi nhuận của họ.

No comments:

Post a Comment